IQ và EQ – Chỉ số nào quan trọng hơn?
Đã có một thời gian chỉ số thông minh (IQ) được coi là chỉ số chính của sự thành công. Những người có điểm IQ cao được cho là đạt được những thành tựu to lớn và thành công trong cuộc sống dưới bất kỳ hình thức nào.
Đến thời điểm hiện tại, nhiều chuyên gia nhận ra rằng nó không phải là kim chỉ nam dẫn đến thành công trong cuộc sống. Thay vào đó, nó là một phần của một tập hợp các hiệu ứng phức tạp bao gồm trí tuệ cảm xúc và rất nhiều thứ khác.
Trong cuốn “Emotional Intelligence” xuất bản năm 1996, nhà văn – nhà tâm lý học Daniel Goleman cho rằng trong thực tế, EQ (hay gọi đầy đủ là chỉ số thông minh cảm xúc) quan trọng hơn IQ. Tại sao? Một số nhà tâm lý học tin rằng chỉ số đo lường trí thông minh chuẩn (tức điểm IQ) quá hẹp và không bao gồm hết sự rộng lớn của trí thông minh con người.
Khái niệm IQ-EQ
IQ được coi là thước đo của sự thông minh. Người có IQ cao không chỉ giải quyết vấn đề nhanh hơn mà họ còn tìm ra được nhiều hướng đi mới, thậm chí là phát minh ra những thứ mà con người chưa bao giờ nghĩ đến. IQ thường phụ thuộc khá nhiều về bẩm sinh, việc IQ cao do rèn luyện là có thể nhưng rất khó. IQ thể hiện các khả năng bao gồm:
- Xử lý thị giác và không gian.
- Kiến thức về thế giới.
- Dòng tư duy.
- Trí nhớ làm việc và trí nhớ ngắn hạn.
- Tư duy định lượng.
EQ, mặt khác, lại là một chỉ số đo lường mức độ thông minh về cảm xúc của một người. Chỉ số này thể hiện khả năng nhận thức, kiểm soát, đánh giá và thể hiện cảm xúc. Những người có chỉ số EQ cao nhận được sự yêu mến lớn từ mọi người khi họ không chỉ có thể đồng cảm mà còn giúp mọi người được xoa dịu, tìm ra những phương hướng chữa lành tốt đẹp nhất.
EQ tập trung các khả năng như:
- Nhận thức được mình.
- Quản lý chính mình.
- Nhận thức xã hội.
- Quản lý MQH xã hội.
Cái nào quan trọng hơn?
IQ và EQ, đâu là chỉ số cần có hơn cả? Mỗi chỉ số đều có những thế mạnh riêng và rõ ràng, chúng đều mang đến những tác động tích cực rất lớn cho con người. Những người thành công bao giờ cũng có sự vượt trội về một trong hai yếu tố này, hay thậm chí là có cả hai. Nhưng đối diện với câu hỏi 1 chọn 1, nhiều người vẫn thường lựa chọn IQ nhiều hơn.
Vậy nhưng thực tế, theo thống kê, phần lớn khả năng quyết định sự thành công thì EQ chiếm tỷ lệ cao hơn so với IQ. Về nhất thời, một người có IQ cao sẽ luôn được ưu ái hơn trong bất cứ cuộc tuyển chọn nào. Tuy nhiên để bền bỉ, lâu dài thì cần có cả những mối quan hệ xung quanh, và đây là điều EQ có thể làm được.
EQ đã có tác động mạnh mẽ lên nhiều lĩnh vực, bao gồm cả trong kinh doanh. Năng lực cảm xúc cũng có thể ảnh hưởng lên những lựa chọn mua sắm của khách hàng. Nhà tâm lý học đã từng đoạt giải Nobel Daniel Kahnman đã phát hiện ra rằng con người ta thà giao dịch với người họ tin tưởng và yêu thích hơn là người họ không tin và thích, thậm chí ngay cả khi phải trả một cái giá cao hơn cho một sản phẩm cấp thấp hơn.
Thông minh cảm xúc có thể học tập được?
Có lẽ bạn đang tự hỏi nếu trí thông minh cảm xúc quan trọng như vậy thì liệu ta có thể học để củng cố nó được không? Theo một nghiên cứu phân tích gộp tập trung vào kết quả của các chương trình học tập về cảm xúc và tương tác xã hội, câu trả lời chắc chắn là “Có”.
EQ một phần là bẩm sinh nhưng cũng chịu tác động nhiều từ giáo dục, rèn luyện. Việc rèn luyện cảm xúc phải được thực hiện thường xuyên, ngày qua ngày, qua các tình huống ứng xử với các mối quan hệ khác nhau, hay cách xử lí các vấn đề cá nhân.
Nâng cao chỉ số EQ – Rút ngắn con đường đến với thành công
Khi trí tuệ cảm xúc của bạn được nâng cao, con người bạn sẽ như ở một bậc cao hơn trên chiếc thang của cuộc sống. Đối với những nhà quản lý doanh nghiệp, việc nâng cao trí tuệ cảm xúc là cần thiết, vì nó sẽ giúp họ có được sự tương tác và tạo ra những mối quan hệ với cấp dưới, đồng nghiệp, cấp trên và cả với khách hàng cũng như đối tác được hiệu quả hơn, từ đó nâng cao hiệu quả công việc. Trong cuộc sống gia đình bạn sẽ thấu hiểu những người thân của mình từ đó có được những mối quan hệ tốt hơn giúp gia đình hạnh phúc hơn, bạn được những người xung quanh bạn yêu quý và tin tưởng hơn.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!